Xã hội luôn phát triển không ngừng, điều đó cũng là nhân tố khiến cho doanh nghiệp được thành lập nhiều hơn. Ngược lại, sự ra đời của các công ty lại góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế nói riêng và xã hội nói chung. Tuy nhiên việc kinh doanh không tranh khỏi những rủi ro tiềm ẩn làm ảnh hưởng đến “tình hình sức khỏe” của doanh nghiệp. Trong khi nhiều Startup được hình thành thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác cũng đồng thời tạm dừng hoạt động vì sức ép cạnh tranh của nền kinh tế thị trường và sự phát triển như vũ bão của thời đại khoa học công nghệ và gần nhất đó là sự ảnh hưởng nặng nề kéo dài từ đại dịch Covid-19. Do đó, các vấn đề về Giải thể doanh nghiệp cũng được không ít các doanh nghiệp quan tâm.
1. Các trường hợp giải thể theo Luật định
Theo quy định tại Điều 207 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây:
- Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn.
- Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần.
- Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
- Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2. Những vấn đề cần quan tâm khi giải thể doanh nghiệp
- Doanh nghiệp ra Biên bản Họp và Quyết định Giải thể Doanh nghiệp của Hội đồng thành viên hay Đại hội đồng cổ đông.
- Làm Công văn yêu cầu Chi cục Thuế (quận/ huyện Doanh nghiệp đóng trụ sở) xác nhận Doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế và không còn bất kỳ khoản nợ nào tại Chi cục thuế.
- Làm Công văn yêu cầu Cơ quan BHXH (quận/ huyện Doanh nghiệp đóng trụ sở) xác nhận Doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ đóng Bảo hiểm xã hội và không còn bất kỳ khoản nợ nào tại Bảo Hiểm Xã Hội.
- Làm công văn trả mẫu dấu tại Cơ quan công an quận/ huyện Doanh nghiệp đóng trụ sở.
- Làm Tờ trình Thông báo về việc giải thể Công đoàn cơ sở gửi đến Liên đoàn lao động quận/ huyện Doanh nghiệp đóng trụ sở.
- Lập Danh sách thành viên của Công ty.
- Lập Danh sách người lao động hiện có và quyền lợi người lao động đã được giải quyết.
- Lập Biên bản về việc thanh lý tài sản (Tòa nhà, các tài sản khác).
- Chuyển giao và chuyển nhượng các quyền liên quan sở hữu trí tuệ, Văn bằng sáng chế, tên thương mại, nhãn hiệu (nếu có).
- Chuyển nhượng, chuyển đổi người đại diện trong các Giấy tờ pháp lý, chứng nhận quyền sử dụng đất …vv.. (nếu có).
- Lập Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán (Đã thanh toán hết hoặc không nợ).Theo Khoản 5 Điều 208 của Luật Doanh nghiệp 2020 thì các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự sau đây: (i) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết, (ii) Nợ thuế, (iii) Các khoản nợ khác.
- Làm công văn gửi Ngân hàng nơi Doanh nghiệp mở tài khoản xác nhận Doanh nghiệp không còn nợ ngân hàng và đã đóng tài khoản của doanh nghiệp. Nếu Doanh nghiệp chưa mở tài khoản tại ngân hàng thì phải lập bản cam kết về việc Doanh nghiệp chưa mở tài khoản.
- Làm hồ sơ ngừng sử dụng Mã vạch nộp về Quatest 3 (nếu có).
- Thanh lý các Hợp đồng về Điện, Nước, các Dịch vụ viễn thông.
- Rà soát những Hợp đồng nguyên tắc nào còn thời hạn, làm thông báo chấm dứt (nếu có).
- Trường hợp doanh nghiệp có chi nhánh, VPĐD thì phải nộp kèm theo hồ sơ giải thể (chấm dứt hoạt động) của chi nhánh, VPĐD.
3. Hồ sơ giải thể doanh nghiệp
Hồ sơ giải thể doanh nghiệp bao gồm giấy tờ sau đây:
- Thông báo về giải thể doanh nghiệp.
- Quyết định của Đại hội đồng cổ đông về việc giải thể doanh nghiệp (Đối với công ty cổ phần); Biên bản họp của Hội đồng thành viên về việc giải thể doanh nghiệp (Đối với công ty TNHH 2 TV trở lên).
- Biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông về việc giải thể doanh nghiệp (Đối với công ty cổ phần); Biên bản họp của Hội đồng thành viên về việc giải thể doanh nghiệp (Đối với công ty TNHH 2 TV trở lên).
- Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp.
- Danh sách thành viên của doanh nghiệp.
- Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán.
- Giấy xác nhận thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp.
- Giấy xác nhận đã trả con dấu tại Cơ quan Công an.
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bài viết trên là vấn đề liên quan đến “Giải thể doanh nghiệp”, John Nguyễn & Các cộng sự xin gửi đến quý bạn đọc/ khách hàng. Nếu như còn những thắc mắc liên quan đến lĩnh vực doanh nghiệp/ giải thể doanh nghiệp thì quý bạn đọc/ khách hàng có thể liên hệ đến John Nguyễn & Các cộng sự (Hotline: 0988 599 854 hoặc email: [email protected]) để có sự tư vấn đầy đủ và chính xác nhất từ các chuyên gia. Đội ngũ luật sư chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để mang đến giải pháp pháp lý hiệu quả cho quý khách hàng, vì chúng tôi luôn định hướng “Chất lượng là danh dự”.