(Nội dung bài viết được rút gọn từ Bài tham luận của Luật sư Nguyễn Chí Thiện tại buổi Hội thảo “Những điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023” được Khoa Dân sự_Đại học Luật TP.HCM tổ chức ngày 08/11/2023).
Ngày 20/6/2023, Quốc hội đã ban hành Luật số 19/2023/QH15, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, với những điểm mới nổi bật. Trong đó, cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 là một trong những nội dung mới quan trọng, thu hút nhiều sự quan tâm.
Lần đầu tiên trong hệ thống các văn bản pháp luật của Việt Nam đã ban hành quy định riêng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023. Nhà nước đã nhìn nhận thấy được vấn đề rằng, vẫn có một phần người tiêu dùng luôn chịu thiệt thòi hơn so với những người tiêu dùng còn lại. Qua đó đã chứng tỏ được sự quan tâm đặc biệt trong chính sách quản lý của Nhà nước Việt Nam đối với những người tiêu dùng có điều kiện bất lợi hơn so với người tiêu dùng thông thường, giúp giữ vững tinh thần “mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”(Điều 3 Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013), đồng thời ngày càng củng cố đối với quy định của pháp luật về người tiêu dùng nói riêng và hệ thống tư pháp Việt Nam nói chung.
Với sự cập nhật mới lần này của pháp luật, khái niệm người tiêu dùng dễ bị tổn thương được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, để có cơ sở nhận diện chính xác người tiêu dùng dễ bị tổn thương, qua đó bảo đảm tính khả thi của việc thực hiện bảo vệ quyền lợi cho nhóm đối tượng này, Khoản 1 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định: “Người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người tiêu dùng có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ” (Khoản 1 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023).
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 cũng đã xác định các nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương bao gồm:
- Người cao tuổi theo quy định của pháp luật về người cao tuổi.
- Người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.
- Trẻ em theo quy định của pháp luật về trẻ em.
- Người dân tộc thiểu số; người sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
- Người bị bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật.
- Thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật.
Những người thuộc các trường hợp trên họ cũng đã và đang gặp những khó khăn trong cuộc sống, chính vì vậy 07 nhóm người tiêu dùng nêu trên được xem là người tiêu dùng dễ bị tổn thương và sẽ được tăng cường bảo vệ quyền lợi hơn so với người tiêu dùng thông thường. Nhóm người tiêu dùng này vốn đã rất khó khăn trong việc giao dịch cho nhu cầu sinh hoạt bình thường, bởi lẽ vì rất khó khăn trong việc tiếp cận các thông tin cần thiết, họ sẽ là đối tượng dễ bị lừa gạt bởi những thành phần xấu khác. Cũng bởi vì sự thiếu hiểu biết cần thiết của mình mà nhóm người tiêu dùng này không chủ động được trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.
So với người tiêu dùng thông thường, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương được ưu tiên bảo vệ quyền lợi trong một số trường hợp được tóm tắt như sau (Khoản 2 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023):
- Người tiêu dùng dễ bị tổn thương được bảo đảm các quyền của người tiêu dùng theo quy định của Luật này và các quyền, chính sách ưu tiên theo quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh ưu tiên tiếp nhận, xử lý và không chuyển yêu cầu của người tiêu dùng cho bên thứ ba giải quyết khi quyền lợi bị xâm phạm, trừ trường hợp bên thứ ba đó có nghĩa vụ liên quan;
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự trong trường hợp chậm, từ chối ưu tiên hoặc từ chối tiếp nhận, xử lý yêu cầu của người tiêu dùng theo quy định.
- Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội bảo đảm ưu tiên tiếp nhận, xử lý yêu cầu và hướng dẫn cung cấp các chứng cứ, tài liệu về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm.
- Khi người tiêu dùng dễ bị tổn thương có yêu cầu được bảo vệ kèm theo chứng cứ, tài liệu chứng minh mình là người tiêu dùng dễ bị tổn thương và về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải ưu tiên tiếp nhận, xử lý và không chuyển yêu cầu của người tiêu dùng cho bên thứ ba giải quyết, trừ trường hợp bên thứ ba đó có nghĩa vụ liên quan. Trường hợp từ chối giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ căn cứ pháp lý và sự không phù hợp với nội dung chính sách đã công bố theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Ngoài ra, đối với nhóm chủ thể mới này, Nhà nước còn quy định thêm về nghĩa vụ và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức kinh doanh khi giao dịch chung với người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Các trách nhiệm và nghĩa vụ đó được tóm tắt như sau (Khoản 3 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023):
- Bảo đảm việc thực hiện quyền của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, không phân biệt đối xử, kỳ thị, lợi dụng yếu tố dễ bị tổn thương để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
- Không được từ chối giải quyết yêu cầu được bảo vệ của người tiêu dùng dễ bị tổn thương và phải áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp đối với nhóm chủ thể này.
- Xây dựng, ban hành trình tự, thủ tục, phương thức hoặc biện pháp phù hợp bảo đảm quyền khiếu nại, yêu cầu giải quyết tranh chấp và các quyền khác của người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
Như vậy, quy định mới cũng đã tác động lên nhóm chủ thể tham gia giao dịch với người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Việc quy định rõ ràng như vậy nhằm đảm bảo rằng cá nhân, tổ chức kinh doanh tham gia giao dịch với người tiêu dùng dễ bị tổn thương sẽ có những quy định hoặc cách thức khác làm ảnh hưởng hoặc gián đoạn, gây tác động bất lợi đến nhóm người tiêu dùng nêu trên. Trong đó, việc quy định cá nhân, tổ chức kinh doanh phải có những hành động đảm bảo quyền khiếu nại, yêu cầu giải quyết tranh chấp và các quyền khác của người tiêu dùng dễ bị tổn thương cũng là một quy định có sức ảnh hưởng và hỗ trợ to lớn cho nhóm chủ thể yếu thế kia. Quy định đó tạo nên nguồn tác động lớn trong việc định hướng và thúc đẩy tinh thần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân đối với nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, và không chỉ có cơ quan có thẩm quyền mà cả chủ thể tiến hành giao dịch đối với nhóm chủ thể người tiêu dùng cũng phải thực hiện việc hoạt động tạo điều kiện cho nhóm chủ thể có thể tiếp cận và tiến hành việc khởi kiện, khiếu nại để đảm bảo quyền lợi của mình.