Bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Theo khoản 4 Điều 3 Luật việc làm 2013 Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Bảo hiểm thất nghiệp bao gồm các chế độ sau theo Điều 42 Luật Việc làm năm 2013:
(i) Trợ cấp thất nghiệp.
(ii) Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.
(iii) Hỗ trợ Học nghề.
(iv) Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Các điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Theo Điều 49 Luật Việc làm 2013, để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động cần đáp ứng tất cả các điều kiện sau:
1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc sau (dẫn chiếu đến Điều 43):
(i) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
(ii) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
(iii) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
2. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
(i) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
(ii) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
3. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013;
4. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013;
5. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm 2013;
6. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
(i) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
(ii) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
(iii) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
(iv) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
(v) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
(vi) Chết.
Trong trường hợp bị kỷ luật buộc thôi việc thì có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
Theo khoản 1 Điều 49 Luật Việc làm 2013, NLĐ đang đóng Bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc trừ các trường hợp: (1) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; (2) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Trường hợp bị kỷ luật buộc thôi việc không thuộc trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nên bạn vẫn thực hiện thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp bình thường theo quy định.
Bài viết trên là vấn đề liên quan đến “Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động”, John Nguyễn & Các cộng sự xin gửi đến quý bạn đọc/ khách hàng. Nếu như còn những thắc mắc liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm/bảo hiểm thất nghiệp thì quý bạn đọc/ khách hàng có thể liên hệ đến John Nguyễn & Các cộng sự (Hotline: 0988 599 854 hoặc email: [email protected]) để có sự tư vấn đầy đủ và chính xác nhất từ các chuyên gia. Đội ngũ luật sư chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để mang đến giải pháp pháp lý hiệu quả cho quý khách hàng, vì chúng tôi luôn định hướng “Chất lượng là danh dự”.