Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Tranh chấp của các bên sẽ được giải quyết tại Trọng tài thương mại nếu như thỏa mãn đủ các điều kiện sau đây

1.Thỏa thuận trọng tài

Theo quy định tại Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010, điều kiện tiên quyết để tranh chấp của các bên được giải quyết tại Trọng tài thương mại là các bên có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

2.Hình thức của thỏa thuận trọng tài

2.1. Được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng

2.2. Hoặc được xác lập dưới hình thức thỏa thuận riêng

2.3. Phải được xác lập dưới dạng văn bản, ngoài ra luật còn quy định các hình thức thỏa thuận được coi là xác lập dưới dạng văn bản như:

  • Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật
  • Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên
  • Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên
  • Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác
  • Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận

3.Thỏa thuận trọng tài không bị vô hiệu

Trong một số trường hợp dưới đây, thỏa thuận trọng tài của các bên sẽ bị vô hiệu và tranh chấp giữa các bên sẽ không được giải quyết tại Trọng tài:

  • Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài.
  • Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
  • Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự.
  • Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định.
  • Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.
  • Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.

4.Tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài

Tuy thỏa thuận trọng tài là một điều kiện tiên quyết tuy nhiên để tranh chấp giữa các bên được giải quyết tại Trọng tài thương mại thì tranh chấp đó phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài thương mại. Theo quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010, các tranh chấp sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài:

  • Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
  • Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
  • Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

Bài viết trên là vấn đề liên quan đến “Các điều kiện để tranh chấp của các bên được giải quyết tại trọng tài thương mại”, John Nguyễn & Các cộng sự xin gửi đến quý bạn đọc/ khách hàng. Nếu như còn những thắc mắc liên quan đến lĩnh vực này thì quý bạn đọc/ khách hàng có thể liên hệ đến John Nguyễn & Các cộng sự (Hotline: 0988 599 854 hoặc email: [email protected]) để có sự tư vấn đầy đủ và chính xác nhất từ các chuyên gia. Đội ngũ luật sư chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để mang đến giải pháp pháp lý hiệu quả cho quý khách hàng, vì chúng tôi luôn định hướng “Chất lượng là danh dự”.