Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Căn cứ Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, được hướng dẫn bởi Điều 9 Thông tư 59/2015/TT – BLĐTBXH (Thông tư này lại được bổ sung bởi Khoản 5 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT – BLĐTBXH) quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Lao động nữ mang thai;
  • Lao động nữ sinh con;
  • Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
  • Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
  • Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
  • Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

2. Người lao động tại trường hợp (2), (3), (4) phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

3. Người lao động tại trường hợp (2) đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 39 Luật BHXH 2014 mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 Luật BHXH 2014.

Trong đó, “thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi” được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 9 TT 59/2015/TT – BLĐTBXH như sau:

  • Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi;
  • Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này;
  • Trường hợp người mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà người cha đủ điều kiện quy định tại điểm a khoản này thì người cha được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con theo Điều 38 của Luật Bảo hiểm xã hội;
  • Việc xác định thời gian 12 tháng trước khi sinh con đối với người lao động nam, người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Đối với điều kiện “hưởng trợ cấp một lần khi sinh con” được hướng dẫn cụ thể tại khoản 2 Điều 9 TT 59/2015/TT – BLĐTBX như sau:

  • Đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;
  • Đối với người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con.

Bên cạnh đó, trong thời gian đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà lao động nữ phải nghỉ việc để khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý, thực hiện các biện pháp tránh thai thì được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33 và 37 của Luật bảo hiểm xã hội.


Bài viết trên là vấn đề liên quan đến “Điều kiện hưởng chế độ thai sản”, John Nguyễn & Các cộng sự xin gửi đến quý bạn đọc/ khách hàng. Nếu như còn những thắc mắc liên quan đến lĩnh vực này thì quý bạn đọc/ khách hàng có thể liên hệ đến John Nguyễn & Các cộng sự (Hotline: 0988 599 854 hoặc email: [email protected]) để có sự tư vấn đầy đủ và chính xác nhất từ các chuyên gia. Đội ngũ luật sư chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để mang đến giải pháp pháp lý hiệu quả cho quý khách hàng, vì chúng tôi luôn định hướng “Chất lượng là danh dự”.