Những năm gần đây, hoạt động Logistics tại Việt Nam phát triển một cách nhanh chóng nhờ cơ sở hạ tầng giao thông mở rộng và thủ tục xuất nhập khẩu được đơn giản hóa. Tuy nhiên, song song với những cơ hội là nhiều rủi ro pháp lý tiềm ẩn. Do đó, bài viết dưới đây, JNA sẽ làm rõ một số vấn đề liên quan đến chuyển giao rủi ro hàng hóa nhằm giúp doanh nghiệp nắm rõ cơ chế chuyển giao để bảo vệ quyền lợi và hạn chế tổn thất như sau:
1. Chuyển giao rủi ro hàng hóa là gì?
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể cho thuật ngữ “Chuyển giao rủi ro hàng hóa” là gì? Tuy nhiên, các trường hợp chuyển giao rủi ro được quy định rải rác trong các căn cứ pháp lý tại: (i) Bộ luật Dân sự 2015; (ii) Luật Thương mại 2005; (iii) Incoterms (Các điều kiện thương mại quốc tế); và (iv) Các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo đó, có thể hiểu chuyển giao rủi ro hàng hóa là thời điểm mà bên bán hoặc bên giao hàng không còn chịu trách nhiệm pháp lý về tổn thất hoặc hư hại của hàng hóa tại một thời điểm nhất định trong quá trình vận chuyển hoặc giao nhận hàng hóa – trách nhiệm đó sẽ chuyển sang cho bên mua hoặc bên nhận hàng.
2. Quy định pháp luật về chuyển giao rủi ro
Đối với Hợp đồng mua bán: Trừ khi các bên trong hợp đồng có thỏa thuận khác thì tùy theo từng trường hợp để xác định thời điểm chuyển giao rủi ro, các trường hợp này được quy định rõ tại Điều 57, 58, 59, 60, 61 Luật Thương mại 2005.
Ví dụ: Công ty A (TP. Hồ Chí Minh) bán 05 tấn cà phê hạt cho Công ty B (Hà Nội). Trong hợp đồng, các bên không thỏa thuận rõ địa điểm giao hàng, chỉ thỏa thuận giao hàng qua đơn vị vận chuyển X. Ngày giao hàng, Công ty A bàn giao hàng cho đơn vị X. Trên đường vận chuyển, một phần hàng bị hư hỏng do tai nạn xe tải. Theo Điều 58 Luật Thương mại 2005, rủi ro này đã chuyển giao sang cho Công ty B kể từ thời điểm đơn vị X nhận hàng. Do đó, Công ty A không chịu trách nhiệm về việc hư hại hàng hóa trên.
Đối với Hợp đồng dịch vụ vận chuyển hàng hóa: Hiện nay, pháp luật trong nước chưa có quy định cụ thể về thời điểm chuyển giao rủi ro giữa bên vận chuyển và bên yêu cầu vận chuyển. Mà chỉ quy định cụ thể về các trường hợp miễn trừ trách nhiệm và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ Logistics (bên vận chuyển) tại Điều 237, 238 Luật Thương mại 2005. Do đó, vấn đề chuyển giao rủi ro đa phần sẽ được căn cứ theo thỏa thuận của các bên. Lưu ý, trong thời gian cầm giữ hàng hóa, bên vận chuyển phải có trách nhiệm bồi thường cho bên có hàng hóa nếu làm mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa.
Ngoài ra, trong bối cảnh các hợp đồng thương mại quốc tế thì vấn đề chuyển giao rủi ro sẽ căn cứ dựa theo điều khoản về vận chuyển mà các bên đã thỏa thuận, có thể được xây dựng dựa trên các quy tắc trong Incoterms hoặc Các Điều ước quốc tế mà các nước của các bên trong hợp đồng là thành viên.
3. Các rủi ro pháp lý thường gặp trong lĩnh vực Logistics
Do tính chất phức tạp và đa dạng của các hoạt động liên quan đến Logistics như vận chuyển, lưu kho, phân phối hàng hóa nên thường có nhiều rủi ro pháp lý xảy ra. Dưới đây là một số rủi ro pháp lý thường gặp mà các doanh nghiệp cần lưu ý:
(i) Rủi ro khi xây dựng và thực hiện hợp đồng
- Xây dựng hợp đồng: Nhiều trường hợp thỏa thuận không rõ ràng các điều khoản, các trường hợp về chuyển giao rủi ro trong hợp đồng mua bán/hợp đồng dịch vụ Logistics (hoặc các thỏa thuận có tính chất tương tự) dẫn đến tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của các bên trong giao dịch khi xảy ra các tình huống không lường trước được như: tai nạn, thời tiết,…
- Thực hiện hợp đồng: Các bên vi phạm các điều khoản về điều kiện vận chuyển, thời gian giao nhận hàng hóa, chất lượng hàng hóa/dịch vụ,…
(ii) Rủi ro về trách nhiệm bồi thường thiệt hại
- Không xác định rõ trách nhiệm, quyền kiểm soát hàng hóa của các bên trong trường hợp hàng hóa bị hư hỏng hoặc mất mát, thiệt hại trong quá trình vận chuyển, lưu kho. Nếu không có quy định rõ ràng về thời điểm chuyển giao rủi ro và trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ dễ phát sinh tranh chấp nếu xảy ra trường hợp trên.
- Không mua bảo hiểm đầy đủ hoặc mua nhưng không đủ phạm vi bảo hiểm phù hợp, khi thiệt hại do tai nạn hoặc thiên tai xảy ra, có thể không được bồi thường dẫn đến tranh chấp về quyền bồi thường giữa các bên liên quan.
(iii) Rủi ro về vận chuyển quốc tế và quy định pháp luật liên quan
Không tuân thủ các quy định về vận chuyển hàng hóa quốc tế, đặc biệt là vi phạm về xuất nhập khẩu, kiểm dịch, hoặc các quy định về an toàn hàng hóa hoặc các quy định pháp luật liên quan đến hải quan, môi trường, lao động, … có thể dẫn đến thiệt hại lớn cho doanh nghiệp (cả vật chất lẫn uy tín), đồng thời phải chịu các khoản phạt hành chính,…
Trong bối cảnh ngành Logistics Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, việc quản trị chuyển giao rủi ro là cấp thiết. Việc nắm rõ và áp dụng hiệu quả cơ chế chuyển giao rủi ro không chỉ là biện pháp phòng ngừa thiệt hại, mà còn là yếu tố cần thiết để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo an toàn hàng hóa và phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bài viết trên là vấn đề liên quan đến “Chuyển giao rủi ro trong Logistics Việt Nam”, John Nguyễn & Các cộng sự xin gửi đến quý bạn đọc/ khách hàng. Nếu như còn những thắc mắc liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm/bảo hiểm thất nghiệp thì quý bạn đọc/ khách hàng có thể liên hệ đến John Nguyễn & Các cộng sự (Hotline: 0988 599 854 hoặc email: [email protected]) để có sự tư vấn đầy đủ và chính xác nhất từ các chuyên gia. Đội ngũ luật sư chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để mang đến giải pháp pháp lý hiệu quả cho quý khách hàng, vì chúng tôi luôn định hướng “Chất lượng là danh dự”.