I. LĨNH VỰC QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH
Công chức thuế không dùng mạng xã hội trong giờ làm việc
Theo Công văn 3821/TCT-KT do Tổng cục thuế ban hành ngày 28/8/2024, mạng xã hội là công cụ hiện hữu để mọi người liên lạc với nhau, chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả, thuận tiện. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách sẽ gây ra những hệ lụy khó lường đối với cá nhân, cơ quan tổ chức nơi người dùng mạng xã hội công tác.
Thời gian vừa qua Tổng cục Thuế có tiếp nhận một số phản ánh liên quan đến việc công chức thuế đăng thông tin chưa phù hợp lên mạng xã hội. Để tăng cường ý thức chấp hành quy định trong việc dùng mạng xã hội của công chức, viên chức, người lao động toàn ngành, Tổng cục Thuế có một số nội dung yêu cầu như sau:
- Đề nghị toàn thể công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Thuế phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu khi dùng mạng xã hội.
- Không dùng mạng xã hội trong giờ làm việc, không đăng tải các thông tin liên quan đến danh mục bí mật nhà nước, công việc của cơ quan mà chưa được Thủ trưởng đơn vị cho phép lên mạng xã hội.
- Đặc biệt cần thận trọng rà soát kỹ nội dung trước khi đăng tải thông tin lên mạng xã hội đảm bảo phù hợp với Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
- Quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động toàn ngành thực hiện nghiêm túc Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội ban hành kèm theo Quyết định 874/QĐ-BTTTTnăm 2021.
- Áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm tăng cường kỷ luật, ý thưc tuân thủ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi dùng mạng xã hội. Đề cao trách nhiệm, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền và thực hiện.
- Trường hợp phát hiện có sai phạm cần nghiêm túc xem xét kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân có liên quan.
II. LĨNH VỰC VIỄN THÔNG
Từ ngày 16/9/2024 hệ thống 2G ngừng phục vụ thuê bao sử dụng điện thoại 2G Only
Theo quy định tại Điều 4 về quy định chuyển tiếp của Thông tư 03/2024/TT-BTTTT và Thông tư 04/2024/TT-BTTTT quy định hệ thống thông tin di động tiêu chuẩn GSM (hệ thống 2G) hiện có được cấp lại giấy phép băng tần 900Mhz, 1800 MHz tại thời điểm tháng 9/2024 khi đáp ứng một số điều kiện:
- Kể từ ngày 16/9/2024, không cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao kết nối vào mạng GSM cho mục đích truyền, nhận dữ liệu giữa thiết bị với thiết bị (M2M) hoặc cung cấp dịch vụ tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK.
- Hệ thống thông tin di động GSM (2G) được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 15/9/2026, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK.
Căn cứ quy hoạch các băng tần 900MHz/1800MHz, Bộ TTTT sẽ không cấp phép lại việc sử dụng các băng tần 900MHz/1800MHz nếu doanh nghiệp không có phương án đảm bảo không còn thuê bao sử dụng thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM (2G only) hoạt động trên mạng từ ngày 16/9/2024.
Như vậy, từ 16/9/2024 hệ thống 2G ngừng phục vụ thuê bao sử dụng điện thoại 2G-Only. Và từ 15/9/2026, hệ thống 2G ngừng hoạt động tại Việt Nam.
III. LĨNH VỰC GIÁO DỤC
1.Tuyệt đối không dạy trước chương trình lớp 1 dưới mọi hình thức
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 4868/BGDĐT-GDMN ngày 29/08/2024 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non (GDMN).
Theo đó, về đổi mới tổ chức các hoạt động giáo dục trong cơ sở GDMN nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em có những nội dung như sau:
- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình GDMN và phát triển Chương trình trong cơ sở GDMN;
- Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục phát triển toàn diện trẻ em theo Chương trình GDMN, khuyến khích tổ chức các hoạt động thực hành, trải nghiệm, học thông qua chơi…;
- Chủ động hợp tác, áp dụng mô hình giáo dục tiên tiến, hiện đại phù hợp với điều kiện thưc tiễn địa phương. Thực hiện có hiệu quả Chương trình GDMN tích hợpđã được phê duyệt đối với cơ sở GDMN có vốn đầu tư nước ngoài và cơ sở thực hiện liên kết giáo dục;
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở GDMN chuẩn bị triển khai thực hiện thí điểm Chương trình GDMN mớitheo hướng dẫn của Bộ GDĐT. Tập trung chuẩn bị tốt điều kiện về các nguồn lực và năng lực đội ngũ cho việc thí điểm Chương trình GDMN mới;
- Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, việc chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp một đáp ứng yêu cầu liên thông với Chương trình lớp một:
- Phối hợp với gia đình, cộng đồng tuyên truyền việc trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo chương trình GDMN bảo đảm điều kiện vào học lớp một;
- Tăng cường các giải pháp thực hiện hiệu quả các hoạt động chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào học lớp một;
- Tuyệt đối không dạy trước chương trình lớp 01 cho trẻ em 5 tuổi dưới mọi hình thức;
- Đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh ở nơi có điều kiện theo quy định tại Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT và các văn bản của Bộ GDĐT.
2.Thực hiện chương trình sức khỏe học đường, y tế trường học giai đoạn đến năm 2026
Ngày 04/9/2024, Bộ Y tế ban hành Quyết định 2616/QĐ-BYT về Kế hoạch thực hiện Chương trình sức khỏe học đường và Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn đến năm 2026, trong đó đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch như sau:
– Công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng các văn bản pháp luật liên quan công tác y tế trường học, tiêu chuẩn, quy chuẩn về vệ sinh trường học:
+ Xây dựng tiêu chuẩn về dinh dưỡng đối với bữa ăn học đường;
+ Chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học phù hợp diễn biến tình hình dịch;
+ Chỉ đạo thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe răng miệng, mắt học đường cho các học sinh tại các trường.
– Công tác xây dựng các tài liệu chuyên môn kỹ thuật, tài liệu đào tạo tập huấn về công tác YTTH.
+ Xây dựng bộ tài liệu đào tạo về sơ cấp cứu, phòng chống tai nạn thương tích trong trường học;
+ Xây dựng tài liệu phòng, chống dịch, phòng chống bệnh tật học đường, phòng chống bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng – an toàn thực phẩm, sức khỏe tâm thần, sức khỏe sinh sản, phòng, chống lây truyền HIV/AIDS cho học sinh trong trường học;
– Công tác đào tạo, tập huấn: Tập huấn nâng cao kiến thức hàng năm cho cán bộ làm công tác y tế trường học tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã và cơ sở giáo dục về công tác y tế trường học, sơ cứu, cấp cứu, phòng chống tai nạn thương tích trong trường học, an toàn thực phẩm.
IV. LĨNH VỰC BẢO HIỂM
Từ ngày 01/9/2024, chi trả lương hưu qua tài khoản trên 63 tỉnh, thành
Tại Luật BHXH, người lao động có quyền nhận lương hưu và trợ cấp BHXH “Thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng”.
Để đảm bảo tốt quyền và lợi ích này của người hưởng, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh phương thức chi trả qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng, song song triển khai linh hoạt các hình thức khác như:
- Chi tiền mặt trực tiếp tại các điểm chi trả;
- Chi thông qua chủ sử dụng lao động;
- Chi tại nhà nếu là người già yếu, cô đơn, ốm đau, bệnh tật không có khả năng đi đến điểm chi trả…
Với tinh thần để người hưởng nhận được tiền sớm nhất ngay từ đầu tháng, từ ngày 01/8/2024, cơ quan BHXH đã thực hiện trực tiếp chuyển tiền chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua tài khoản cá nhân cho người hưởng tại BHXH 43 tỉnh, thành phố.
Từ ngày 01/9/2024 thực hiện phương thức chuyển tiền trực tiếp này tại 20 tỉnh còn lại.
Trong trường hợp người hưởng đã kê khai đăng kí nhận chưa đúng số tài khoản ngân hàng dẫn đến chưa nhận được tiền của kỳ chi trả tháng 8/2024; người hưởng thực hiện lập ngay thông báo thay đổi thông tin người hưởng theo mẫu số 02-CBH để kê khai lại số tài khoản ngân hàng gửi cơ quan BHXH để cơ quan BHXH có căn cứ chuyển tiền chế độ vào tài khoản cá nhân sớm nhất.
Cụ thể, người hưởng tải mẫu 02-CBH theo đường dẫn: 02-CBH.pdf (baohiemxahoi.gov.vn); điền thông tin và lựa chọn nộp hồ sơ theo một trong 03 hình thức:
- Qua giao dịch điện tử: người hưởng đăng ký nhận mã xác thực và gửi hồ sơ điện tử đến Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam hoặc qua Tổ chức I-VAN (nếu đã đăng ký sử dụng dịch vụ I-VAN); trường hợp không chuyển hồ sơ giấy sang định dạng điện tử thì gửi hồ sơ giấy cho cơ quan BHXH qua bưu chính;
- Gửi hồ sơ qua Bưu chính;
- Nộp trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của cơ quan BHXH cấp tỉnh, cấp huyện hoặc các Điểm chi trả của cơ quan bưu chính).
V. LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP
Từ ngày 20/9/2024, cơ sở chăn nuôi sẽ được hỗ trợ đến 1 tỷ đồng để xử lý chất thải chăn nuôi
Chính phủ ban hành Nghị định 106/2024/NĐ-CP ngày 01/8/2024 có hiệu lực từ ngày 20/09/2024, quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nâng cao hiệu quả chăn nuôi bao gồm: hỗ trợ phối giống nhân tạo đối với trâu, bò, lợn; hỗ trợ mua đực giống trâu, bò, dê, cừu, lợn, hươu sao; hỗ trợ mua gà, vịt, ngan giống cấp bố mẹ và khuyến khích xử lý chất thải chăn nuôi.
Theo Nghị định này, tổ chức, cá nhân được hỗ trợ không quá 50% giá trị sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi nhằm khuyến khích áp dụng để xử lý chất thải chăn nuôi. Mức hỗ trợ tối đa như sau: 05 triệu đồng/cơ sở (chăn nuôi nông hộ); 50 triệu đồng/cơ sở (chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và vừa); 100 triệu đồng/cơ sở (chăn nuôi trang trại quy mô lớn).
Đồng thời, hỗ trợ không quá 50% giá trị công trình khí sinh học nhằm khuyến khích xử lý chất thải chăn nuôi. Mức hỗ trợ tối đa như sau: 07 triệu đồng/công trình (chăn nuôi nông hộ); 300 triệu đồng/công trình (chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và vừa); 01 tỷ đồng/công trình (chăn nuôi trang trại quy mô lớn).
VI. LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI
Chính phủ ban hành Nghị định mới quy định chi tiết về đất trồng lúa
Kể từ ngày 11/9/2024, Nghị định số 112/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về đất trồng lúa chính thức được ban hành và có hiệu lực. Theo đó, trên cơ sở Luật Đất đai năm 2024, Nghị định đã quy định cụ thể, chi tiết về các vấn đề:
- Định nghĩa mới về đất trồng lúa, bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại;
- Quy định về vùng quy hoạch trồng lúa chất lượng cao;
- Quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng công trình nông nghiệp trên đất trồng lúa;
- Quy định về bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt của đất trồng lúa;
- Quy định về nộp tiền để bổ sung diện tích đất trồng lúa bị mất và tăng hiệu quả sử dụng đất lúa;
- Chính sách hỗ trợ địa phương, bảo vệ đất lúa, đầu tư xây dựng hạ tầng và áp dụng công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch lúa chất lượng cao.
Bài viết trên là vấn đề liên quan đến “Bản tin pháp luật tháng 09-2024”, John Nguyễn & Các cộng sự xin gửi đến quý bạn đọc/ khách hàng. Nếu như còn những thắc mắc liên quan đến các lĩnh vực này thì quý bạn đọc/ khách hàng có thể liên hệ đến John Nguyễn & Các cộng sự (Hotline: 0988 599 854 hoặc email: [email protected]) để có sự tư vấn đầy đủ và chính xác nhất từ các chuyên gia. Đội ngũ luật sư chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để mang đến giải pháp pháp lý hiệu quả cho quý khách hàng, vì chúng tôi luôn định hướng “Chất lượng là danh dự”.