I. LĨNH VỰC CÔNG TÁC XÃ HỘI
1.Bốn trường hợp bị cấm hành nghề công tác xã hội từ ngày 15/10/2024
Ngày 30/08/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2024/NĐ-CP về công tác xã hội, có hiệu lực từ 15/10/2024. Theo đó, tại Điều 32 Nghị định 110/2024/NĐ-CP có nêu 04 trường hợp bị cấm hành nghề công tác xã hội, gồm:
– Người bị kết án mà chưa được xóa án tích;
– Bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, trường giáo dưỡng hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
– Đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Mất năng lực hành vi dan sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Về điều kiện hành nghề công tác xã hội, Điều 31 Nghị định này nêu rõ, công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam có phẩm chất đạo đức tốt, có đủ điều kiện sau đây được hành nghề công tác xã hội:
– Đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học chuyên ngành công tác xã hội. xã hội học, tâm lý học, giáo dục đực biệt hoặc chuyên ngành khoa học xã hội khác theo quy định của pháp luật;
– Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công tác xã hội;
– Không thuộc trường hợp cấm hành nghề công tác xã hội và trường hợp khác theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm xử lý vi phạm hành chính;
– Có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp còn hiệu lực.
2.Nghiêm cấm hành nghề công tác xã hội để trục lợi
Điều này được quy định tại Nghị định 110/2024/NĐ-CP về công tác xã hội có hiệu lực từ 15/10/2024. Theo đó, một trong các hành vi bị cấm về lĩnh vực công tác xã hội là lợi dụng cung cấp dịch vụ công tác xã hội để trục lợi hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, các hành vi bị nghiêm cấm khác trong lĩnh vực công tác xã hội gồm:
– Lợi dụng hành nghề công tác xã hội để trục lợi chính sách về hỗ trợ, giúp đỡ tổ chức, cá nhân của Nhà nước hoặc xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
– Thu các khoản lợi ích ngoài thù lao, chi phí được thỏa thuận thống nhất với tổ chức, cá nhân trong hợp đồng dịch vụ công tác xã hội trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
– Công bố, cung cấp, tiết lộ, phá hủy thông tin, dữ liệu cá nhân không được sự đồng ý của người giám hộ/người đại diện/đối tượng đó trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
II. LĨNH VỰC NHÀ Ở
1.Quy định về đánh số căn hộ chung cừ từ ngày 15/10/2024
Thông tư 08/2024/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành ngày 30/8/2024 quy định đánh số và gắn biển số nhà, công trình xây dựng.
Theo đó tại Điều 13 Thông tư 08/2024/TT-BXD quy định về việc đánh số căn hộ của nhà chung cư như sau:
– Đánh số căn hộ được sử dụng dãy số tự nhiên với thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo chiều quy định tại khoản 2 Điều này để đánh số căn hộ. Ghi số tầng trước số căn hộ được ghi tách riêng bằng dấu gạch ngang (ví dụ: 21 – 05).
– Chiều đánh số căn hộ được thực hiện theo quy định sau đây:
+ Theo chiều quay kim đồng hồ, bắt đầu từ căn hộ đầu tiên phía bên trái của lối đi chính (thang máy hoặc thang bộ);
+ Trường hợp ngôi nhà chung cư có nhiều lối đi, thì lối đi chính do chủ đầu tư xác định. Chiều đánh số thực hiện theo nguyên tắc quy định tại điểm a khoản này.
– Việc đánh số tầng nhà chung cư được thực hiện theo quy định sau đây:
+ Đánh số tầng nhà theo nguyên tắc lấy chiều từ tầng dưới lên tầng trên, bắt đầu từ tầng 1 của ngôi nhà (không tính tầng hầm). Dùng các số tự nhiên (1, 2, 3, …, n với n là tổng số tầng của ngôi nhà) để đánh số tầng và được lấy từ số nhỏ đến số lớn;
+ Trường hợp không đánh số liên tục có thể dùng số tầng trước đó kết hợp thêm ký tự (ví dụ: 4 thành 3A; 7 thành 6A…). Có thể đặt tên tầng trệt thay cho tầng 1, khi đó các tầng tiếp theo từ dưới lên được đánh số là tầng 1, tầng 2, … tầng n-1;
+ Trường hợp nhà có tầng hầm thì đánh số tầng hầm theo nguyên tắc lấy chiều từ tầng hầm ở trên cùng xuống hầm phía dưới, bắt đầu từ tầng hầm gần nhất với tầng 1 hoặc tầng trệt của ngôi nhà. Dùng các số tự nhiên (1, 2, 3, …, n với n là tổng số tầng hầm của ngôi nhà) để đánh số tầng hầm, lấy từ số nhỏ đến số lớn. Để phân biệt với tầng nhà thì viết thêm ký hiệu chữ do chủ đầu tư quyết định vào trước số tầng hầm (ví dụ: B1, B2, B3, …hoặc H1, H2, H3…).
– Việc đánh số cầu thang nhà chung cư (từ 2 cầu thang sử dụng chung trở lên) được thực hiện theo nguyên tắc lấy chiều từ lối đi chính vào nhà, cầu thang đầu tiên từ bên trái đánh số 1, những cầu thang tiếp theo được đánh số 2, 3, …n.
2.Quy định đánh số, gắn biển số nhà từ 15/10/2024
Theo đó, Điều 6 Thông tư 08/2024/TT-BXD được ban hành ngày 30/8/2024, hiệu lực từ 15/10/2024, quy định về việc đánh số nhà mặt đường, phố như sau:
– Đánh số nhà mặt đường, phố được sử dụng dãy số tự nhiên (1, 2, 3…, n) với thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo chiều quy định tại khoản 2 Điều này. Nhà bên trái lấy số lẻ (1, 3, 5, 7…), nhà bên phải lấy số chẵn (2, 4, 6, 8…).
Trường hợp một nhà có cửa mở ra hai đường, phố khác nhau thì nhà đó được đánh số theo đường, phố có mặt cắt ngang lớn hơn; nếu các đường, phố có mặt cắt ngang tương đương thì đánh số nhà theo đường, phố có cửa chính vào nhà hoặc đánh số theo đường, phố đã được đánh số liên tục.
– Chiều đánh số nhà mặt đường, phố thực hiện theo quy định:
+ Chiều đánh số nhà được thực hiện theo hướng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ Đông Bắc sang Tây Nam, từ Đông Nam sang Tây Bắc;
+ Trường hợp đường, phố đặc thù không thực hiện theo quy định trên thì chiều đánh số nhà do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định (ví dụ: đường, phố dạng hướng tâm thì chiều đánh số nhà được thực hiện từ trung tâm thành phố, tỉnh, quận, huyện, thị xã, thị trấn hướng ra phía ngoài trung tâm);
+ Các đường, phố đã được đánh số nhà trước ngày 15/10/2024 thì giữ nguyên chiều đánh số nhà.
Đối với đường, phố chưa có nhà xây liên tục (còn đất trống),UBND cấp huyện căn cứ quy hoạch chi tiết xây dựng trên tuyến đường, phố được cấp có thẩm quyền phê duyệt để đánh số nhà và đảm bảo có số nhà dự phòng đối với nhà, công trình cho tuyến đường, phố đó.
Trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng về tuyến đường, phố thì Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định tổ chức thực hiện đánh số và gắn biển số nhà để đảm bảo phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực.
III. LĨNH VỰC GIAO THÔNG
1.Quy định về thông tin tài khoản giao thông từ 01/10/2024
Nghị định 119/2024/NĐ-CP về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, được ban hành ngày 30/8/2024. Trong đó, quy định thông tin tài khoản giao thông từ 01/10/2024.
Theo đó, khoản 4 Điều 11 Nghị định 119/2024/NĐ-CP có quy định đối tượng mở tài khoản giao thông gồm:
– Chủ phương tiện là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật;
– Chủ phương tiện là tổ chức được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ mở tài khoản giao thông phải bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin tài khoản giao thông theo quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định 119/2024/NĐ-CP.
Thông tin tài khoản giao thông cụ thể gồm:
– Số tài khoản giao thông, ngày mở tài khoản giao thông;
– Thông tin chủ tài khoản giao thông (nếu chủ tài khoản là cá nhân): Họ tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; địa chỉ liên lạc; số định danh cá nhân; số điện thoại đăng ký; email đăng ký;
– Thông tin chủ tài khoản giao thông (nếu chủ tài khoản là tổ chức): Tên tổ chức, quyết định thành lập hoặc giấy phép hoạt động hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, địa chỉ liên lạc, số điện thoại đăng ký, email đăng ký;
– Thông tin phương tiện gắn thẻ đầu cuối: Biển số xe, số khung, số máy, tải trọng, số chỗ ngồi, loại xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; giấy chứng minh xe ưu tiên (nếu có);
– Thông tin thẻ đầu cuối: Mã định danh thẻ đầu cuối (TID); mã sản phẩm điện tử của thẻ đầu cuối (EPC); ngày, tháng, năm gắn thẻ đầu cuối;
– Thông tin phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt: Loại phương tiện thanh toán; số phương tiện thanh toán; đơn vị cung ứng phương tiện thanh toán.
2.Hai phương thức thanh toán tiền sử dụng đường bộ từ 01/10/2024
Theo khoản 3 Điều 15 Nghị định 119/2024/NĐ-CP có hiêu lực từ 01/10/2024 quy định về 02 phương thức thanh toán tiền sử dụng đường bộ là phương thức mở và phương thức kín.
– Phương thức mở: Là phương thức thanh toán mà chủ phương tiện phải trả một mức tiền tại trạm thu phí đường bộ không phụ thuộc vào chiều dài quãng đường phương tiện đã đi được trên đoạn đường thanh toán tiền sử dụng đường bộ mà chỉ phụ thuộc vào kiểu loại phương tiện;
– Phương thức kín: Là phương thức thanh toán mà chủ phương tiện phải trả một mức tiền tại trạm thu phí đường bộ dựa vào chiều dài quãng đường phương tiện đã đi được trên đoạn đường thanh toán tiền sử dụng đường bộ và kiểu loại phương tiện.
Đối với các tuyến, đoạn tuyến đường cao tốc; các tuyến, đoạn tuyến đường cao tốc nối tiếp nhau được tổ chức thu thành một hệ thống thu thực hiện theo phương thức kín theo hình thức điện tử không dừng.
Các trạm thu phí đường bộ không nằm trên đường cao tốc phải triển khai thu tiền sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng và duy trì mỗi trạm thu phí đường bộ có 01 làn thu phí hỗn hợp hoặc 01 làn xử lý sự cố (làn thu phí áp dụng cả hình thức điện tử không dừng và một dừng) trên mỗi chiều lưu thông theo quy định.
IV. LĨNH VỰC HÀNH CHÍNH
Mức xử phạt đối với hành vi không đăng ký đất đai từ 04/10/2024
Theo đó tại Điều 16 Nghị định 123/2024/NĐ-CP đã được Chính phủ ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, có hiệu lực từ ngày 04/10/2024 đã quy định về mức phạt đối với hành vi không đăng ký đất đai. Cụ thể:
– Phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 132 Luật Đất đai 2024, gồm:
+ Thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký;
+ Thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê để sử dụng;
+ Thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký.
– Phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại các điểm a, b, i, k, l, m và q khoản 1 Điều 133 Luật Đất đai, gồm:
+ Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; …
+ Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;
+ Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi mô hình tổ chức hoặc sự thỏa thuận của các thành viên hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;
+ Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được UBND cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai; …
+ Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền đối với thửa đất liền kề;
+ Thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất;
+ Bán tài sản, điều chuyển, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.
Bài viết trên là vấn đề liên quan đến “Bản tin pháp luật tháng 10-2024”, John Nguyễn & Các cộng sự xin gửi đến quý bạn đọc/ khách hàng. Nếu như còn những thắc mắc liên quan đến các lĩnh vực này thì quý bạn đọc/ khách hàng có thể liên hệ đến John Nguyễn & Các cộng sự (Hotline: 0988 599 854 hoặc email: [email protected]) để có sự tư vấn đầy đủ và chính xác nhất từ các chuyên gia. Đội ngũ luật sư chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để mang đến giải pháp pháp lý hiệu quả cho quý khách hàng, vì chúng tôi luôn định hướng “Chất lượng là danh dự”.