Trong đàm phán và ký kết hợp đồng dịch vụ logistics, việc áp dụng các quy định pháp luật, điều ước quốc tế và tập quán thương mại là vô cùng quan trọng để hạn chế rủi ro phát sinh. Trong đó, Incoterms (International Commerce Terms) đóng vai trò trọng yếu trong việc quy định trách nhiệm, chi phí và rủi ro khi vận chuyển hàng hóa giữa các bên mua bán quốc tế.
Hiện nay, Incoterms 2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, là phiên bản mới nhất do Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) ban hành, quy định 11 điều kiện vận chuyển, được chia thành bốn nhóm dựa trên chữ cái đầu tiên: nhóm C, D, E, F, mỗi nhóm đều có những đặc điểm và phạm vi trách nhiệm riêng.
Từ nhu cầu, điều kiện bảo quản của hàng hoá và những nhóm điều kiện được phân chia như trên, bên mua và bên bán có thể thoả thuận lựa chọn điều kiện Incoterm sao cho phù hợp, hiệu quả. Cụ thể như sau:
I. XÁC ĐỊNH PHƯƠNG THỨC VẬN CHUYỂN PHÙ HỢP
Dựa vào việc doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hoá có tính chất như thế nào, thời gian vận chuyển, khối lượng hàng hoá vận chuyển… Doanh nghiệp có thể lựa chọn phương thức vận tải phù hợp bao gồm đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không. Tuy nhiên, để xác định được phương thức vận tải phù hợp, phải biết được ưu, nhược điểm của từng phương thức vận chuyển. Cụ thể như sau:
1. Vận tải đường biển
- Ưu điểm: Vận chuyển được hàng hoá có khối lượng, kích thước lớn; chi phí vận chuyển thấp hơn so với các phương thức khác, đặc biệt đối với các tuyến đường dài.
- Nhược điểm: Thời gian vận chuyển dài; rủi ro cao do phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.
2. Vận tải đường hàng không
- Ưu điểm: tốc độ vận chuyển nhanh, phù hợp với hàng hoá phải vận chuyển trong thời gian ngắn; rủi ro thấp.
- Nhược điểm: chi phí vận chuyển cao; khối lượng và kích thước của hàng hoá bị hạn chế; bị phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.
3. Vận tải đường bộ
- Ưu điểm: tính linh hoạt cao, tiếp cận được nhiều địa hình khác nhau; thời gian vận chuyển tương đối nhanh; phù hợp với nhiều loại hàng hoá.
- Nhược điểm: Bị giới hạn về khối lượng, kích thước hàng hoá; phụ thuộc vào điều kiện giao thông và thời tiết; rủi ro xảy ra tai nạn cao.
Sau khi lựa chọn được phương thức vận chuyển phù hợp, doanh nghiệp đã có thể bắt đầu lựa chọn nhóm điều kiện Incoterm theo nhu cầu vận chuyển như sau:
(i) Nhóm điều kiện cho vận tải đường biển/đường thuỷ nội địa: FAS (Free Alongside Ship), FOB (Free On Board), CFR (Cost and Freight), CIF (Cost, Insurance and Freight).
(ii) Nhóm điều kiện cho các phương thức vận tải khác: EXW (Ex Works), FCA (Free Carrier), CPT (Carriage Paid To), CIP (Carriage and Insurance Paid To), DAP (Delivered at Place), DPU (Delivered at Place Unloaded), DDP (Delivered Duty Paid).
II. ĐỊA ĐIỂM GIAO HÀNG
Sau khi xác định được phương thức vận chuyển, bên mua và bên bán cần thoả thuận hàng hoá sẽ được giao tới đâu. Khi xác nhận được địa điểm giao hàng, việc lựa chọn điều kiện Incoterm sẽ được cụ thể hoá hơn. Ví dụ:
- Nếu điểm giao hàng tại cơ sở bên bán: Điều kiện EXW hoặc FCA sẽ phù hợp;
- Nếu điểm giao nằm ngoài cơ sở của bên bán: Điều kiện FCA, CPT và CIP sẽ phù hợp;
- Nếu điểm giao hàng là trên cầu cảng hoặc trên xà lan ngay sát mạn tàu tại cảng bốc hàng: Điều kiện FAS là phù hợp nhất;
- Nếu điểm giao hàng nằm trên tàu tại cảng bốc hàng: Điều kiện FOB, CFR và CIF sẽ phù thuộc (tuỳ vào việc doanh nghiệp xuất khẩu có chịu cước phí vận chuyển và bảo hiểm đường biển hay không).
III. THỜI ĐIỂM CHUYỂN RỦI RO, CHI PHÍ VẬN CHUYỂN
Việc xác định rõ địa điểm giao hàng sẽ phần nào quyết định thời điểm chuyển giao rủi ro giữa bên bán và bên mua, cùng với sự thoả thuận, mục đích vận chuyển, các bên có thể chọn thời điểm chuyển rủi ro theo cách sau:
- Nếu bên bán không muốn chịu rủi ro và chi phí liên quan đến hàng hoá trong quá trình chuyên chở, có thể lựa chọn điều kiện Incoterms trong nhóm E và F;
- Nếu bên mua không muốn chịu rủi ro và chi phí liên quan đến hàng hoá trong quá trình chuyên chở, có thể chọn điều kiện Incoterms trong nhóm D;
- Nếu bên bán chấp nhận chịu chi phí nhưng không muốn chịu rủi ro liên quan đến hàng hoá thì lựa chọn điều kiện Incoterms trong nhóm C.
Trong trường hợp các bên lựa chọn vận chuyển bằng đường biển:
- Nếu hàng hoá được vận chuyển theo các tuyến tàu chợ, chi phí bốc và dỡ hàng đã được đưa vào cước phí, do đó sử dụng FAS sẽ phù hợp;
- Nếu điểm giao hàng nằm trên tàu tại cảng bốc hàng, điều kiện FOB, CRF và CIF sẽ phù hợp (tuỳ thuộc vào việc bên mua có chịu cước phí vận chuyển và bảo hiểm đường biển hay không).
Ngoài 3 tiêu chí đã được bài viết này phân tích, doanh nghiệp cũng có thể dựa vào những yếu tố khác như khả năng thuê phương tiện vận tải, trách nhiệm mua bảo hiểm, thủ tục thông quan…. để có thể lựa chọn điều kiện vận chuyển tốt nhất trong Incoterms 2020.
Bài viết trên là vấn đề liên quan đến “Chọn điều kiện Incoterms trong hợp đồng Logistics sao cho hiệu quả”, John Nguyễn & Các cộng sự xin gửi đến quý bạn đọc/ khách hàng. Nếu như còn những thắc mắc liên quan đến lĩnh vực này thì quý bạn đọc/ khách hàng có thể liên hệ đến John Nguyễn & Các cộng sự (Hotline: 0988 599 854 hoặc email: [email protected]) để có sự tư vấn đầy đủ và chính xác nhất từ các chuyên gia. Đội ngũ luật sư chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để mang đến giải pháp pháp lý hiệu quả cho quý khách hàng, vì chúng tôi luôn định hướng “Chất lượng là danh dự”.