Toà án giữ vai trò là trọng tài và phán xử trên cơ sở chứng cứ mà các bên đưa ra. Toà án phải công bằng, khách quan, không được nghiêng về bên nào trong quá trình xét xử và tố tụng tại toà. Việc toà án thu thập chứng cứ vô hình chung dẫn tới việc chứng cứ thu thập được có thể có lợi hoặc bất lợi cho một bên, làm ảnh hưởng đến nguyên tắc vô tư, khách quan của toà án.
Vì vậy, Điều 16 dự thảo Luật tổ chức toà án quy định theo hướng Cơ quan điều tra, viện kiểm sát có nghĩa vụ thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm; đương sự vụ án hành chính, vụ việc dân sự có nghĩa vụ thu thập chứng cứ, đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Tòa án sẽ không tham giam vào quá trình thu thập chứng cứ.
Để tạo thuận lợi cho đương sự, người tham gia tố tụng khác trong quá trình lập hồ sơ vụ việc dân sự, vụ án hành chính, tòa án sẽ hướng dẫn đương sự cách thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ việc. Tòa án chỉ hỗ trợ các bên thu thập chứng cứ trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự, khi có đủ điều kiện:
- Đương sự là người yếu thế trong xã hội
- Có căn cứ xác định đương sự đã tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ theo hướng dẫn của tòa nhưng không thể thu thập được.
- Đương sự có yêu cầu tòa án hỗ trợ.
- Tòa án xét thất cần thiết phải hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ.
Trong khi đó, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 (áp dụng hiện hành) quy định về thẩm quyền thu thập chứng cứ của Tòa án như sau: “Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của luật tố tụng”.
Như vậy, có thể thấy rằng, so với Luật tổ chức toà án 2014, thì TAND tối cao đề xuất bỏ quy định về việc tòa án có thẩm quyền thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hình sự. Riêng với các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, tòa không có nghĩa vụ phải thu thập chứng cứ, nghĩa vụ này thuộc về đương sự, nhưng tòa án có quyền hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ khi xét thấy cần thiết.
Với quy định thay đổi này, khối lượng công việc của Tòa án sẽ được giảm tải trong quá trình giải quyết và xét xử vụ án. Đồng thời, việc này cũng đảm bảo được tính công bằng, khách quan cho mỗi bên trong vụ án, tránh trường hợp một bên cho rằng Tòa án thiên vị cho bên kia mà thu thập chứng cứ cho bên kia về tài liệu chứng cứ nào đó. Sự thay đổi này cũng phù hợp vối mô hình tố tụng tranh tụng và cải cách tư pháp mà Tòa án Việt Nam đang hướng tới. Chúng ta có thể thấy rằng, Tòa án phải xét xử rất nhiều vụ án và khối lượng công việc phải xử lý trong từng vụ án là không hề nhỏ, nên việc thay đổi quy định về thu thập chứng cứ lần này góp phần giúp Tòa án giảm việc phải đi xác minh, chờ đợi kết quả xác minh mà thay vào đó người tiến hành tố tụng của Tòa án sẽ có thời gian và tâm trí cho việc tập trung đánh giá chứng cứ do các bên cung cấp vì vốn dĩ Tòa án đóng vai trò như vị trọng tài để phân xử công bằng cho yêu cầu của các bên đương sự.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc Tòa án không thu thập chứng cứ trong quá trình xết xử vụ án (đối với án hình sự), hoặc căn cứ xác định đương sự đã tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ theo hướng dẫn của tòa nhưng không thể thu thập được thì Tòa án mới thu thập chứng cứ (đối với án hành chính, vụ việc dân sự) thì điều này sẽ khó khăn cho đương sự khi có nhu cầu khởi kiện mà không tự mình thu thập được chứng cứ tại một số nơi là cơ quan nhà nước. Thực tiễn thường thấy nhất là khi một bên đi kiện đến cơ quan công an để xin thu thập tài liệu, chứng cứ để nộp bổ sung cho Tòa án, nhưng cơ quan công an sẽ thường từ chối vì cho rằng không có giấy tờ hay văn bản nào từ cơ quan có thẩm quyền thì phía công an không có nghĩa vụ cung cấp thông tin. Điều này cũng diễn ra tương tự tại một số đơn vị, tổ chức và cơ quan nhà nước khác. Có thể vì người dân không có quyền hạn nên phải tuân thủ theo cơ chế mệnh lệnh phục tùng, nói cách khác là cơ chế xin cho, và phụ thuộc toàn bộ vào cơ quan chức năng có thẩm quyền. Chính vì lẽ đó, rõ ràng sẽ rất khó khăn cho người dân nếu phải tự mình đi thu thập chứng cứ nhưng cơ quan nhà nước không hỗ trợ, thậm chí có trường hợp cơ quan tổ chức họ cũng không xác nhận bằng văn bản rằng là từ chối để chính đương sự có cơ sở nộp cho Tòa án, để báo cho Tòa án rằng tôi bị từ chối cung cấp thông tin.
Ảnh: Shutterstock