Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, pháp luật Việt Nam đã dành hẳn một chương về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, cũng như các quy định khác được ghi nhận tại Bộ luật tố tụng dân sự về thẩm quyền giải quyết của Tòa án liên quan hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Điều này khẳng định mối quan hệ này được tôn trọng và bảo vệ phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam về việc xin ly hôn có yếu tố nước ngoài
Căn cứ theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự hiện hành về xác định thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, thì chỉ cần một bên trong quan hệ vợ chồng là công dân Việt Nam hoặc các bên là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam thì có thể yêu cầu Tòa án Việt Nam giải quyết ly hôn (Điều 469.1 (d) Bộ Luật Tố tụng Dân sự). Do đó, trường hợp người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài và lập hôn thú ở nước ngoài vẫn có thể yêu cầu tòa Việt Nam giải quyết ly hôn.
Cấp tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi thường trú của công dân Việt Nam (Điều 35.3 và Điều 37 Bộ Luật Tố tụng Dân sự).
- Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam (Điều 35.4 Bộ Luật Tố tụng Dân sự và Điều 123 Luật hôn nhân và gia đình).
Pháp luật áp dụng giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài
- Pháp luật áp dụng giải quyết là pháp luật Việt Nam.
- Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam (Điều 127 Luật hôn nhân và gia đình).
- Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
Lưu ý tài liệu liên quan trong quá trình giải quyết ly hôn
Để đáp ứng đầy đủ hồ sơ theo quy định về thủ tục ly hôn theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình và Bộ luật tố tụng dân sự, điều cần lưu ý rằng các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận để sử dụng giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại (Điều 124 Luật hôn nhân và gia đình).
Bài viết trên là vấn đề liên quan đến “Giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài”, John Nguyễn & Các cộng sự xin gửi đến quý bạn đọc/ khách hàng. Nếu như còn những thắc mắc liên quan đến lĩnh vực hôn nhân và gia đình thì quý bạn đọc/ khách hàng có thể liên hệ đến John Nguyễn & Các cộng sự (Hotline: 0988 599 854 hoặc email: [email protected]) để có sự tư vấn đầy đủ và chính xác nhất từ các chuyên gia. Đội ngũ luật sư chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để mang đến giải pháp pháp lý hiệu quả cho quý khách hàng, vì chúng tôi luôn định hướng “Chất lượng là danh dự”.